Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

April 27, 2024

New York Times: Cuộc chiến eo biển Đài Loan và vấn đề ‘lá chắn silicon”


Nhà máy của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học và Công nghệ Đài Trung ngày 25/3/2021. (Ảnh: Jack Hong / Shutterstock)

Tầm quan trọng ngày càng tăng của TSMC trong ngành bán dẫn toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng trong kinh tế và địa chính trị. Mới đây, tác giả bình luận của New York Times (NYT) là ông Kristof đã có bài cho rằng TSMC là công ty quan trọng nhất thế giới, nếu không thể chi hàng chục tỷ USD để chuyển hoạt động sản xuất chip sang Mỹ thì phải nỗ lực kiềm chế chiến tranh ở eo biển Đài Loan.

Ông Kristof đã chỉ ra trong bài viết bình luận trên tờ New York Times rằng, khoảng 90% chip tiên tiến nhất thế giới đến từ TSMC, không có cuộc thảo luận nào về địa chính trị hay kinh tế có thể bỏ qua vấn đề này. Nếu TSMC ngừng hoạt động thì mọi người có thể không mua được điện thoại, ô tô hoặc đồng hồ mới, quân đội có thể cạn kiệt tên lửa dẫn đường chính xác, các bệnh viện có thể thiếu thốn máy X-quang hoặc MRI…

Để dễ hình dung, tác giả nhắc lại vấn đề gián đoạn chip trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời COVID-19, nhưng thảm cảnh TSMC ngừng hoạt động được nhân lên gấp 10 lần – thật không may TSMC nằm ở nơi có khả năng xảy ra chiến tranh. Năm ngoái nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett cũng nói rằng, “TSMC là một trong những công ty được quản lý tốt nhất trên thế giới và là một công ty quan trọng”, nhưng ông vẫn bán số cổ phiếu trị giá 4 tỷ USD của TSMC vì “cảnh giác về vị trí địa lý”.

Bài viết cho biết giới quan sát đã lưu ý giá trị của TSMC có thể cám dỗ Trung Quốc cố gắng chiếm đóng Đài Loan, sau đó sử dụng việc kiểm soát TSMC để kiểm soát thế giới. Chủ tịch Mark Liu của TSMC cũng lên tiếng cảnh báo về vấn đề này.

Tuy nhiên tác giả cho hay, ngay cả khi các kỹ sư ở lại TSMC và nhà máy không bị quân phòng thủ Mỹ-Đài cho nổ tung để ngăn nó rơi vào tay Trung Quốc, thì nhà máy hàng đầu thế giới này cũng sẽ trở nên vô dụng nếu rơi vào tay Trung Quốc, vì họ sản xuất Chip do các nước khác thiết kế, cần mạng lưới quốc tế duy trì quy trình sản xuất, vì thế “khi TSMC bị Trung Quốc chiếm đóng giống như một chiếc điện thoại di động không có pin”.

Người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Mỹ thời ông Trump là ông Matthew Pottinger có bình luận rằng “không gì có thể so sánh được với các nhà máy của TSMC”, và “đây thực sự là ma thuật”. Tuy nhiên vấn đề là TSMC tiêu thụ khoảng 7% lượng điện của Đài Loan – và đây là một điểm yếu, gây nguy cơ Trung Quốc có thể làm gián đoạn sản xuất thông qua các cuộc tấn công mạng vào lưới điện, qua đó đủ gây áp lực lên Đài Loan và phương Tây. Hoặc Trung Quốc có thể áp đặt phong tỏa một phần đối với Đài Loan cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nghĩa là cả nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng, đó là lý do tại sao có ví von ngành công nghiệp chip của Đài Loan là “Lá chắn Silicon”.

Bài viết trên NYT lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào chip ở khu vực thường xuyên xảy ra động đất và chiến tranh, đây là vấn đề phải tìm cách thay đổi, vì thế mà “Đạo luật Chip” của Mỹ ra đời đầu tư 39 tỷ USD vào chip nội địa sản xuất. Nhưng thực tế cho thấy việc đưa công nghệ sản xuất chip tiên tiến về Mỹ khó hơn nhiều so với việc thông qua đạo luật này, giờ đây TSMC và Samsung buộc phải hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ, đã 18 tháng kể từ khi Tổng thống Biden ký “Đạo luật Chip” nhưng trợ cấp của Mỹ vẫn chưa thể được áp dụng.

Người sáng lập TSMC Morris Chang chỉ rõ, ông tin rằng việc xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn ở Mỹ “sẽ là một hoạt động tốn kém và vô ích”, vì chi phí quá cao sẽ khiến công ty mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bình luận của ông Kristof cho rằng, việc Mỹ không sản xuất chip là có lý, vì nếu hàng chục tỷ USD chi cho trợ cấp nhà máy sản xuất chip được sử dụng để giảm nghèo ở trẻ em và cải thiện nền giáo dục của Mỹ, điều đó có thể cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của Mỹ [so với đầu tư vào nhà máy chip]. Nếu người Mỹ giỏi toán học như người Đài Loan thì các nhà máy sản xuất chip của Mỹ có lẽ cũng sẽ tốt hơn.

Tác giả nhận định, do rất khó di dời địa điểm sản xuất nên cách tốt nhất để bảo vệ chip là kiềm chế và tránh bùng nổ chiến tranh ở eo biển Đài Loan.

Cùng quan điểm, cây viết về tài chính Đài Loan Lin Hongwen mới đây đã có bài phát biểu đặc biệt tại Hiệp hội truyền cảm hứng Đài Loan (TIA), cho rằng từ góc độ địa chính trị, sau cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine và cuộc chiến Israel đáp trả khủng bố Hamas tại Palestine, mọi người đều lo lắng về việc liệu có nổ ra cuộc chiến ở eo biển Đài Loan không, cũng vì Đài Loan có TSMC.

Lý giải “Tại sao TSMC lại hùng mạnh như vậy?”, ông Lin Hongwen cho rằng mô hình kinh doanh coi sản xuất như một ngành dịch vụ của TSMC là mô hình thành công, việc đưa văn hóa doanh nghiệp theo phong cách quản lý Mỹ đến Đài Loan cũng là một yếu tố dẫn đến thành công của hãng.

Ông Lin Hongwen cho biết TSMC có nhu cầu mở rộng ra nước ngoài, xã hội Đài Loan nên chuẩn bị sẵn sàng và chính phủ cũng nên hỗ trợ các công ty vận hành các hoạt động xuyên biên giới. Khi Mỹ chi mạnh tay để tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều ngành công nghiệp điện tử của Đài Loan trong tương lai sẽ đầu tư vào Mỹ. Ngoài chất bán dẫn, nhiều ngành công nghiệp ở Đài Loan có thể đầu tư vào Mỹ và chuyển đổi nâng cấp, từ các cơ hội kinh doanh như xe điện, máy chủ, thế giới ảo (metaverse) cho đến vệ tinh quỹ đạo thấp.

Nguồn: Giai Kỳ, Vision Times

Tags: , ,