
Áp lực của Kissinger với Việt Nam Cộng Hòa: Hồi tưởng của ông Hoàng Đức Nhã 50 năm sau ngày 30/04
May 1, 2025
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nửa thế kỷ. Thời gian đã xa nhưng với nhiều người, 30/04/1975 như chỉ mới hôm qua: Lịch sử như ngưng đọng. 50 năm trôi qua, nhưng giai đoạn lịch sử này dường như vẫn còn nhiều mảng trống. Những gì đã dẫn đến kết cục 30/04/1975? Quan hệ giữa chính quyền Mỹ với chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã đóng vai trò gì trong kết cục này?…
Nhân dịp tròn 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, ban tiếng Việt đài RFI phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhã, nguyên cố vấn của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, và cũng là người trực tiếp cố vấn tổng thống trong các đàm phán dẫn đến Hiệp định Paris về Việt Nam 1973.
Ông Hoàng Đức Nhã, tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật điện tại Hoa Kỳ năm 1965. Năm 1967, ông được bổ nhiệm làm bí thư (tức cố vấn) và phát ngôn viên của tổng thống, rồi tổng trưởng (tức bộ trưởng) Dân Vận và Chiêu Hồi từ năm 1973 đến cuối năm 1974. Trên cương vị bộ trưởng, ông đã chủ trì hai chương trình trại hè Nối Vòng Tay Lớn năm 1973 và Đường Việt Nam năm 1974 để sinh viên trong và ngoài nước hợp sức, học hỏi nhau đóng góp xây dựng đất nước.
Từ năm 1975 đến năm 2003, ông làm việc tại ba công ty lớn là General Electric, FMC Corporation và Monsanto Company tại Mỹ. Từ năm 2004, ông đồng sáng lập một công ty chuyên về phân tích dữ liệu lớn và là giám đốc điều hành cho đến khi nghỉ hưu năm 2012. Ông Hoàng Đức Nhã hiện sống ở Chicago.
Sau đây mời quý vị theo dõi những hồi tưởng và suy tư của ông Hoàng Đức Nhã nhân dịp tròn 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
30/04 là kết cục của cả một tiến trình « rất dài »
RFI : Xin kính chào ông Hoàng Đức Nhã.
Tôi rất vui có được cơ hội này để chia sẻ với khán thính giả của đài ở Việt Nam cũng như trên thế giới về cái diễn biến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thật sự 30 tháng 4 chỉ là một cái thời điểm nhưng mà cái tiến trình dẫn đến 30 tháng 4 rất dài.
RFI : Trước hết xin ông có thể chia sẻ một đôi chút về thời điểm 30 tháng 4 : Lúc đấy ông ở đâu và làm gì ạ?
Ngày 30/04/1975, tôi vừa được máy bay của không quân Hoa Kỳ đưa đến đảo Guam. Lúc ấy coi như là một cái cửa khẩu vào Hoa Kỳ và những người tị nạn từ miền Nam Việt Nam phải vào đó để làm giấy tờ được nhập cảnh. Trước ngày 30 tháng 4 tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford đã ký một sắc lệnh đặc biệt cho phép những người miền Nam Việt Nam được nhập cảnh Hoa Kỳ với tư cách là tị nạn chính trị. Thành thử ở đó không phải đợi lâu. Chúng tôi đến Guam trong vòng mấy tiếng đồng hồ là có được cái mẫu giấy chứng nhận. Khi chúng tôi ra khỏi máy bay vào phòng của sở nhập trú thì nghe tin ông Dương Văn Minh đã đầu hàng và coi như miền Nam Việt Nam không còn nữa. Đó là một cái nỗi buồn tới giờ này không nguôi.
« Đấu khẩu » Trump – Zelensky : Chính quyền Nixon thời đó « dữ tợn hơn nhiều »
RFI : Thưa ông, cái thời điểm lịch sử cách đây 50 năm rồi, nhưng với không ít người hiện nay, dường như có một sự kiện, một không khí ít nhiều gợi nhớ đến ngày 30 tháng 4 1975 của Việt Nam. Chắc ông cũng theo dõi là sự kiện ngày 28/2 vừa qua tại Nhà Trắng, với cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và người lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky.
Tôi thấy dù báo chí bên phía tả ở Hoa Kỳ họ cho ông Trump với ông Vance rất là cộc cằn, hay là dùng lời lẽ không ngoại giao đối với ông Zelensky. Nhưng tôi thấy nếu nói ông Trump hay ông Vance những lời lẽ không nhã nhặn, thì nhớ lại cái thời kỳ miền Nam Việt Nam chúng tôi thương thuyết với ông Kissinger (ngoại trưởng Mỹ) với ông Nixon (tổng thống Mỹ), thì họ cộc cằn, dữ tợn hơn nhiều. Khi gặp ông Zelensky, ông Trump nói lớn tiếng chứ ông không có cái gọi là mỉa mai hay là giận dữ như là hồi chúng tôi đã đối phó với các ông Kissinger và Nixon. Đấy là điểm thứ nhất.
Điểm thứ nhì ít ai biết, theo tôi với tư cách là một quan sát viên, cũng là người đã từng thương thuyết ở cấp rất cao, cấp tổng thống, cấp lãnh tụ đất nước. Tôi thấy cử chỉ ông Zelensky không đúng lễ độ của một nhà ngoại giao. Việt Nam mình có cái văn hóa, nghĩa là dù ở bên Pháp với bên Mỹ, khi mình ăn nói, mình cũng tỏ vẻ lễ độ. Nhưng tôi muốn nói rằng lúc đó Việt Nam Cộng Hòa ở trong thế yếu.
Câu hỏi của Thành đã làm tôi nhớ lại cái thời kỳ đó. Ròng rã mấy tháng trời, ngày nào cũng họp. Ngày nào cũng họp, nghĩa là rất nhức đầu nhức óc, nhưng mà vì quyền lợi của nhân dân miền Nam chúng tôi, tổng thống Thiệu với tôi rất là điềm đạm trình bày. Rốt cuộc sau đó Hoa Kỳ cũng phải công nhận là chúng tôi rất là lễ độ và đưa ra những cái lập luận rất là vững chắc, chứ không phải là xúc động mà nói tầm bậy.
Vì quyền lợi của nhân dân miền Nam, chúng tôi đã rất nhã nhặn, lễ độ
RFI : Ông có thể cho thính giả biết một đôi chút bối cảnh như thế nào và một số những chi tiết để mọi người có thể hình dung rõ hơn được không ạ?
Lúc thương thuyết gọi là mặt gặp mặt giữa ông tổng thống Thiệu với tôi một bên, còn bên Mỹ là ông Henry Kissinger từ Hoa Thịnh Đốn bay qua Sài Gòn, và đi với đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, chúng tôi thường gọi là « cuộc họp bốn bên ». Ông Kissinger tính cũng cục cằn, ổng đưa ra mấy cái văn thư rồi nói tổng thống Nixon rất bất bình với mấy ông. Phía Việt Nam mình, tổng thống rất là điềm đạm : Không, chúng tôi thấy cái điều khoản này nè, đoạn văn này không đúng, không phản ảnh được nguyện vọng của miền Nam chúng tôi, mà chúng tôi đã nói với quý ông Hoa Kỳ mấy tháng trước rồi, nhưng mà tôi thấy trong cái bản này mấy ông cứ lặp lại cái đòi hỏi của mấy ông cũng như của Hà Nội, chúng tôi nhất định không ký một hiệp định hại cho dân. Nên có lúc ông Kissinger nói thẳng với tổng thống Thiệu : « Chúng tôi sẽ có những cái phản ứng rất táo bạo, nếu mấy anh không ký ». Tổng thống của tôi cứ tỉnh bơ : Chúng tôi không bao giờ ký một cái hiệp định mà hại cho dân của tôi. Xong nói thêm một câu nữa, ông Kissinger quay qua tôi nói : Hai anh em ông (vì tôi là em họ của tổng thống Thiệu), hai anh em ông đừng bao giờ cố thành « martyr », họ dùng chữ « thánh tử đạo ». Mà lúc đó, chúng tôi rất là bình tĩnh : Thưa ông cố vấn, chúng tôi vẫn không ký.
Họp với Kissinger: Tổng thống Thiệu nói tiếng Việt, Hoàng Đức Nhã phiên dịch
Đó là thời điểm ngày 22/10/1972. Ròng rã bốn ngày. Cái ngày chót vừa kể là ngày 22. Mỗi ngày hai tiếng họp, bốn năm tiếng đồng hồ, rất là căng thẳng. Phía Hoa Kỳ, thì chỉ có mình ông Kissinger nói, ông đại sứ ngồi yên. Bên phía chúng tôi, lúc đó ông tổng thống Thiệu, tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa nói bằng tiếng Việt.
Tôi lúc đó với tư cách là bí thư của tổng thống, tôi dịch ra. Thành ra bên phía họ thì họ cũng ức nên nói tổng thống của anh biết nói tiếng Anh, nhưng mà tại sao là phải qua anh dịch. Tôi mới trả lời là những cái ghi nhận lại, chúng tôi sẽ trình lên Quốc hội, chúng tôi hành xử như một người lãnh đạo của một cái quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi nói tiếng Việt.
Một điểm nữa là ngày cuối cùng đó, ngày 22, khi ông ta ra về, từ đó mà đi ra tới cầu thang đi xuống khu mà chỗ xe hơi đậu, tôi đưa ra với ông đại sứ Bunker thì ông Kissinger ổng bực tức, ổng lầu bầu nói, đây là cái thất bại ngoại giao lớn nhất của tôi, tôi sẽ không bao giờ trở lại Sài Gòn. Tôi trả lời ngay chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng đón ông cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, ông cố vấn lúc nào đến Sài Gòn là chúng tôi cũng sẽ trọng đãi.
Bất đồng với Mỹ về đàm phán với miền Bắc: Cuộc đối đầu 4 năm và lời đe dọa « hành động táo bạo »
RFI : Diễn đạt « hành động táo bạo » của ông Kissinger có nghĩa là gì ạ ?
Trong ngoại giao họ không nói giết ông. Tiếng Anh họ nói « we will take brutal action », có thể nói là « trả đũa bằng hành động táo bạo ». Táo bạo là cái gì? Sát hại chứ còn gì? Ông Kissinger không bao giờ bốc đồng cả. Một chữ của ông ta là ông cân nhắc lúc này lúc kia nhưng mà nghĩ lại tôi thấy ông ta càng bực tức khi thấy ông tổng thống Thiệu với tôi rất bình tĩnh, rất tươi cười và rất lễ độ.
RFI : Thưa ông, vào thời điểm năm 1968, những người quan sát thời đó ghi nhận việc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dường như là ngay từ đầu đã bất đồng với chính quyền Mỹ trong việc thương thuyết với miền Bắc có đúng không ạ ?
Cái điều đó đúng ! Nhưng tôi phải nói thêm là bất đồng không phải là không muốn thương thuyết mà là bất đồng về cái thể thức thương thuyết. Thể thức thương thuyết là một hành động rất quan trọng. Thưa ông Hoa Kỳ, bây giờ mình đi qua nói chuyện bên phía Bắc Việt. Bây giờ mình đưa những cái đề tài gì : rút quân, tái lập hòa bình … , Những điểm nào là nguyên tắc, đâu là các chi tiết. Phải đồng ý trên cái nguyên tắc rồi mới nói về chi tiết.
Rồi phần nào mà Hoa Kỳ nói, phần nào Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi nói ? Ví dụ như là tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam. Tại sao ông lại nói về cái đó ? Phải là chúng tôi chứ ! Không thể là ông được ! Đó là những cái ví dụ mà tôi nói là thể thức để tiến hành cái cuộc thương thuyết !
Nhiều người Mỹ nói cái chuyện đó mấy ông đừng lo ! Để chúng tôi lo ! Tôi nói không được ! Tại sao như vậy ? Nghĩa là tôi phải giải thích với Quốc Hội của tôi, với nhân dân của tôi là Hoa Kỳ sẽ lo về tương lai chính trị của miền Nam thì cái đó người ta chửi cho. Tại sao ông để cho quốc gia khác thương thuyết về tương lai của miền Nam mình… Khi ông Nixon lên (đầu năm 1969), Hoa Kỳ mới sửa đổi, chúng tôi mới đồng ý. Giữa tháng Giêng 1969 phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa mới sang Paris.
Đó là cái ví dụ để cho thấy cái lập trường vững của phía Việt Nam Cộng Hòa. Không phải chúng tôi chống, nghĩa là chúng tôi chống hòa bình, chúng tôi sợ mất ghế tổng thống. Không phải ! Từ 1967 trước khi đắc cử tổng thống, khi ông Nguyễn Văn Thiệu còn là trung tướng, chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, ông nói chúng tôi miền Nam Việt Nam hiểu rằng một ngày nào Hoa Kỳ muốn đem con em quân lính về, quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng sẵn sàng đảm nhận cái trách nhiệm để bảo vệ bờ cõi và bảo vệ nhân dân. Chúng tôi chỉ xin Hoa Kỳ viện trợ súng đạn, công cụ chiến tranh để chúng tôi tiếp tục chiến đấu.
Chống lại những bóp méo của người Mỹ về Việt Nam Cộng Hòa: Cuộc chiến truyền thông xuyên thế kỷ
Mình đã nói từ 1967. Những lúc đó, báo chí hay là mấy cái ông trong Quốc Hội (Mỹ), mà nói rằng mấy ông sợ hòa bình. Nhiều khi tôi đi qua bên Hoa Kỳ trong những chuyến công tác, tôi nói chuyện với báo chí với lại những người phụ tá của mấy ông dân biểu, nghị sĩ, tôi nói : Chúng tôi nói cái gì mấy ông ghi nhớ chứ đừng cứ nói là chúng tôi ngoan cố (chống đàm phán hòa bình). Giữa đồng minh với nhau nhiều khi họ cố ý họ dùng báo chí họ vu cáo mình. Lúc đó tôi vừa là bí thư, vừa là phát ngôn viên. Không có ngày nào mà tôi không phải chỉnh mấy người làm báo chí Hoa Kỳ ở Sài Gòn, viết lệch lạc, theo cái mà họ muốn mà không bao giờ chịu phản ảnh những cái gì mà chính phủ Việt Nam lúc đó chính thức công bố.
RFI : Phải chăng thiếu sự ủng hộ của Quốc Hội Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến cái sự sụp đổ khó tránh khỏi của Việt Nam Cộng Hòa, thưa ông ?
Cái đó rất đúng ! Hãy nhớ rằng tháng 11/1972 lúc đó là ông tổng thống Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ nhì, nhưng Quốc Hội mới đa số là đảng Dân Chủ. Khi mà một Quốc Hội có đa số là đảng đối lập, trong trường hợp này là đảng Dân Chủ, thì phía hành pháp của đảng Cộng Hòa ở trong thế yếu thôi. Yếu hơn nữa đó là vì ông Nixon bị lâm vào cái vụ Watergate, rồi rốt cuộc phải từ chức vào tháng 8/1974. Thì từ đó cho đến 30 tháng 4/1975 đi xuống dốc rất là nhanh.
RFI : Về phía xã hội miền Nam Việt Nam, theo ông, có những hy vọng mở ra cho một cái kết cục mình tạm gọi là ít bạo lực hơn không ạ?
Thật ra, ít có người muốn theo dõi kỹ lập trường của Việt Nam Cộng Hòa trong vấn đề thương thuyết. Nghĩa là phía Việt Nam Cộng Hòa đã nói rõ là Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với phía Cộng Sản bên kia để đi đến có thể nói là một giải pháp chính trị trong đó quyền lợi của người dân tại miền Nam Việt Nam được bảo đảm và hai miền Nam Bắc sẽ hợp với nhau, tại vì cũng con cháu của một mẹ Việt Nam cả. Thì đã nói rõ ràng, nhưng mà vì hai bên đã chiến đấu với nhau ròng rã mấy chục năm, thì bây giờ phải có một phương thức rõ ràng, nói thế nào phải thi hành thế ấy. Chứ không phải vì phải chấm dứt chiến tranh mà phía Việt Nam Cộng Hòa không cần đàm phán về hòa bình nữa. Nhưng mà cái điểm đó người Mỹ thì không bao giờ chịu nhắc đến, cứ tìm đủ mọi cách gọi là đổ lỗi. Cái chính trị của người Mỹ hay tìm cách, nghĩa là mình nói cái chữ « chạy tội » thì quá đáng đi, nhưng mà là họ bóp méo sự thật, hay là họ dùng những cái từ ngữ hay là cái danh từ hay là cách hành văn của họ để cho thấy lúc nào họ cũng có lý cả.
Miền Nam Việt Nam từng có một nền Cộng hòa lập hiến
Thành thử ra suốt bao nhiêu năm nay, nhất là 15 năm vừa rồi, từ khi tôi về hưu, hoài bão của tôi là đi nói chuyện với cái giới khoa bảng, cấp đại học, giáo sư. Tôi thách đố họ, tôi nói mấy ông gọi là các tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, hiểu cách phân tích vấn đề, vấn đề nào cũng có nhiều khía cạnh, chứ không phải chỉ một chiều, vậy mà mấy ông cho người ta cái cảm tưởng là những cái gì mấy ông viết ra là « dishonest », không có lương tâm, không có đạo đức, dù mấy ông là tiến sĩ ở Harvard, ở Princeton, Columbia, Berkeley.
Ông nói những cái chuyện đó, mà ông không cho biết lập trường của chúng tôi từ trước tới giờ. Chúng tôi không bao giờ từ chối hòa bình cả. Đó là cái điểm thứ nhất. Mà hơn nữa trong lúc miền Nam chúng tôi chống giặc xâm lăng, chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng một nền dân chủ tại miền Nam Việt Nam. Chúng tôi có một hiến pháp. Chúng tôi là một thể chế cộng hòa lập hiến. Làm gì cũng theo luật pháp. Nhưng không, bây giờ họ không bao giờ đề cập đến điều đó.
Thành thử ra người dân thường hay các em sinh viên, học sinh, đọc thấy tưởng là mấy cái ông này là hiếu chiến, tối ngày không có chịu thực thi dân chủ. Đâu có ai biết là miền Nam lúc đó có một cái hiến pháp rất là tốt. Quyền căn bản của mọi công dân được bảo vệ trong cái hiến pháp đó. Miền Nam Việt Nam lúc đó có bầu cử đa đảng, từ trung ương xuống địa phương. Có một nền tư pháp độc lập, có một lập pháp độc lập…
Cái thế hệ sau này ở Hoa Kỳ có nhiều người trẻ gốc Việt, tôi rất mừng là các em đó chịu khó nghiên cứu. Ngoài cái khía cạnh quân sự, còn có khía cạnh dân sự, khía cạnh xã hội. Nghĩa là trong lúc lính của Việt Nam Cộng Hòa giữ vững bờ cõi, thì người dân trong các làng, ấp, các đô thị, vẫn được sống trong một chế độ dân chủ, có quyền bầu cử… Thì cái điểm đó ở Hoa Kỳ họ không chịu công nhận.
« Khát vọng chưa thành » : Mong ước hòa giải hòa hợp dân tộc trên cơ sở các quyền tự do căn bản được tôn trọng
RFI : Thưa ông, vừa rồi được biết là ông có một cuốn sách mới ra mắt, cuốn « Hoàng Đức Nhã – Khát vọng chưa thành ». Rất mong được ông cho biết là ông muốn chuyển tài thông điệp chính gì qua cuốn sách này ?
Cái chữ « Khát vọng chưa thành » nói lên hoài bão của tôi là một nhân viên trong chính phủ, một người trai tương đối trẻ tuổi, được may mắn đi du học, hiểu biết nhiều hơn không những về chuyên môn, mà quan trọng nhất là hiểu biết về điều có thể nói là một chế độ dân chủ. Người dân dù ở giai tầng nào cũng thấy rõ được quyền gì và không được quyền gì. Và từ đó người dân có được cái quyền đó để tự họ làm ăn buôn bán, làm luật sư, bác sĩ, nhà báo… trong khuôn khổ của luật lệ quốc gia. Thì có như vậy thì quốc gia mới tiến được.
Khi tôi nói cái khát vọng tôi chưa thành đó là vì, rất tiếc là vì cái cuộc chiến sau Hiệp định Paris dập tan, không có cơ hội để tiếp tục. Tại vì theo tôi nghĩ, người dân có tự do mới có sáng kiến, mà có sáng kiến thì mới có sản xuất và từ đó mới giúp phát triển quốc gia được.
RFI : 50 năm sau sự kiện lịch sử 30 tháng 4, thưa ông, ông có cái cảm nghĩ gì về những nỗ lực của người Việt hiện nay trong việc hướng đến hòa giải, hướng đến xây dựng một cái xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn ?
Thật sự người Việt Nam, theo tôi nghĩ, ở hai miền ở miền Bắc cũng như ở miền Nam cũng mong muốn rằng sự chấm dứt chiến tranh đưa đến một cái tình trạng mà hai bên có thể ngồi nói chuyện với nhau đi đến một cái giải pháp chính trị mà hai bên có thể chấp nhận. Người Việt Nam chúng ta dù ở phía Cộng Sản Bắc Việt hay trong miền Nam tự do đều yêu nước và đều muốn sống ở trong hòa bình.
Trước hiệp định Paris, miền Nam cũng đã nói : chúng tôi sẵn sàng ký hiệp định rồi hai bên ngồi nói chuyện với nhau đi đến một cái giải pháp chính trị qua một cuộc bầu cử tự do. Nhân dân miền Nam trước 1975 sống trong một cái thể chế Cộng hòa lập hiến. Trong đó có một cái hiến pháp bảo vệ các quyền lợi căn bản của người dân. Thế hệ tương lai mà chúng tôi gọi là thế hệ hậu duệ đó, hiểu rằng tại sao các bậc cha bậc anh đã chiến đấu. Thành thử ra ngày nào đó những người thuộc thế hệ hậu duệ ở Việt Nam bây giờ có những cái điều kiện tiên quyết đó thì theo tôi nghĩ chắc chắn lúc đó họ sẽ tham gia một cách tích cực hơn.
RFI : Xin cảm ơn ông Hoàng Đức Nhã.
Nguồn: RFI/Trọng Thành