
Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi : Nỗi đau 50 năm
April 28, 2025
Courrier International dịch bài viết của tuần báo Đức Der Spiegel « Khi Washington bỏ rơi Sài Gòn ». Le Monde cuối tuần nhận định « Việt Nam bị ám ảnh bởi những vong hồn của cuộc chiến ». Hình trên: Các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong trận đánh tử thủ Xuân Lộc, chận lối vào Sài Gòn của quân cộng sản Bắc Việt ngày 17/04/1975. ASSOCIATED PRESS – Ly
Kissinger thổ lộ ý đồ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam với báo Đức từ 1970
Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, các báo có một số bài viết liên quan. Courrier International dịch bài viết của tuần báo Đức Der Spiegel « Khi Washington bỏ rơi Sài Gòn ». Bài viết được minh họa bằng bức ảnh một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và một người lính Mỹ trên chiếc phi cơ cùng giơ tay đón một bé gái được cha mẹ đưa lên, hy vọng con mình sẽ được di tản.
Theo tờ báo, có một thời gian ngắn người ta cho rằng Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ chiến thắng Bắc Việt cộng sản. Một năm sau khi ngưng bắn năm 1973 mà cả hai bên đều vi phạm, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã gia tăng 15 % vùng đất được kiểm soát. Rồi bỗng nhiên tình hình xấu hẳn đi, khi quân Bắc Việt chiếm được một số nơi cuối năm 1974. Đến tháng Ba 1975, có trên 16 sư đoàn Bắc Việt tràn vào miền Nam, Ban Mê Thuột thất thủ, và đến ngày 30/04/1975 Sài Gòn sụp đổ.
Thông tín viên Spiegel thời đó ghi nhận những cảnh hoảng loạn khủng khiếp ở miền Trung khi hơn một triệu người dân di tản. Tuần báo có khuynh hướng thiên tả cho biết tổng thống Mỹ Richard Nixon đã quên đi lời hứa sẽ can thiệp mạnh mẽ khi ép ông Thiệu ký hiệp định Paris. Henry Kissinger ngay từ năm 1970 đã thổ lộ với Spiegel rằng chủ yếu chỉ « nhằm câu giờ, từ khi Mỹ rút quân cho đến khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, để Washington khỏi phải chịu trách nhiệm về thất bại ».
Tổng thống Gerard Ford cố gắng thúc giục Quốc Hội thông qua viện trợ bổ sung 522 triệu đô la cho Miền Nam, nhưng không thành công. Nước Mỹ tự bằng lòng với việc lập cầu không vận di tản tốn 10 triệu đô la, tổng thống Ford thương cảm cho một « bi kịch nhân đạo khủng khiếp ». Tổng biên tập Der Spiegel vào thời đó, Rudolf Augstein bình luận, chính phủ Mỹ hầu như không có chọn lựa nào khác. Hoặc « thả bom nguyên tử xuống miền Bắc Việt Nam », hoặc tiếp tục một cuộc chiến không lối thoát.
Nửa triệu vong hồn và sự phân biệt đối xử
Le Monde cuối tuần nhận định « Việt Nam bị ám ảnh bởi những vong hồn của cuộc chiến ». Năm mươi năm sau chiến tranh, hàng trăm ngàn người lính Việt tử trận vẫn không có được một nấm mồ. Tại Hà Nội có một viện nghiên cứu chuyên tìm mộ liệt sĩ Bắc Việt, nhưng các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa không có được may mắn này. Có đến 1,1 triệu « liệt sĩ », danh hiệu được dành cho những người lính cộng sản tử trận trong cuộc chiến mà chính quyền Hà Nội luôn gọi là « chiến tranh chống Mỹ và ngụy quyền ».
Khoảng 300.000 người trong số đó được chôn cất vô danh, và 200.000 hài cốt vẫn chưa tìm thấy, tổng cộng có đến nửa triệu vong hồn vẫn còn lang thang đâu đó, tức « cô hồn » theo tín ngưỡng của người Việt. Ông Vũ Thế Khanh, giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) cho biết có được sự trợ giúp của các « nhà ngoại cảm », và một ngân hàng dữ liệu ADN đang được xây dựng. Được hỏi có giúp thân nhân những người lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận hay không, ông trả lời cũng có, nhưng không được đối xử tương đương như các « liệt sĩ ».
Số quân nhân Miền Nam hy sinh ít hơn, khoảng 400.000, và đa số đều có trên mình tấm thẻ bài kim loại để nhận diện. Cho đến 1975, họ được an táng ở các nghĩa trang quân đội. Nhưng những bóng ma của « phía bên kia » vẫn bị chính quyền cộng sản coi là kẻ thù. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa nổi tiếng trở nên hoang tàn, và mãi đến 2006, khi có người miền Nam trong số các nhà lãnh đạo cao cấp cộng sản, mới mở cửa trở lại cho thăm viếng.
Nguồn: RFI/Thụy My