Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

April 28, 2024

Hơn 500 sinh viên Trung Quốc khối ngành STEM bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ


Công dân Trung Quốc chờ nộp hồ sơ xin thị thực tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh vào ngày 02/05/2012. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hơn 500 đơn xin thị thực của sinh viên Trung Quốc khối ngành STEM để theo học tại các trường đại học lớn của Hoa Kỳ đã bị chính phủ Hoa Kỳ từ chối vì những lo ngại về an ninh. Tin tức này đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc và cư dân mạng cho rằng hầu hết những người nộp đơn xin thị thực du học này đều đến từ các trường đại học Trung Quốc có liên kết với quân đội Trung Quốc.

Hôm 07/07, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc China Daily đưa tin rằng ít nhất 500 sinh viên Trung Quốc theo học khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đã bị Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực với lý do vi phạm Mục 212 (f) của Đạo luật Di trú và Quốc tịch Hoa Kỳ và Tuyên bố của Tổng thống số 10043.

Mục 212 (f) trao cho tổng thống Hoa Kỳ quyền từ chối việc nhập cảnh của ngoại kiều hoặc những người không thuộc quốc tịch Hoa Kỳ bị coi là phương hại đến lợi ích của Hoa Kỳ. Dựa trên pháp lệnh đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành Tuyên bố 10043 vào ngày 29/05/2020, có nhan đề “Đình chỉ việc Nhập cảnh với những Sinh viên và Nhà nghiên cứu Nhất định Không phải người nhập cư Từ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa,” để đáp lại hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc qua các nhà nghiên cứu và sinh viên đang theo học tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Theo China Daily, những người nộp đơn xin thị thực đều là sinh viên tốt nghiệp đã được các trường đại học Hoa Kỳ nhận – bao gồm cả Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học California tại Berkeley, Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Johns Hopkins – để học bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Đa số họ đều đang theo học khối ngành kỹ thuật, khoa học máy tính, cơ khí, hóa học, khoa học vật liệu, y sinh học và các chương trình khoa học khác.

Sau khi đơn xin thị thực của họ bị từ chối, hơn 500 học sinh Trung Quốc khối ngành STEM đã đồng ký tên vào một lá đơn [kiến nghị tập thể] đang được lưu truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ giải quyết cái gọi là “phân biệt đối xử và đàn áp” đối với học sinh Trung Quốc.

Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo hôm 06/07 rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản hồi về vấn đề thị thực của những sinh viên này, bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” và đã đưa ra các kháng nghị nghiêm chỉnh đối với chính phủ Hoa Kỳ.

Tin tức này đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số cư dân mạng lưu ý rằng những sinh viên này đều tốt nghiệp từ 7 trường đại học lớn của Trung Quốc có liên kết với quân đội Trung Quốc, được gọi là “Quốc phòng 7,” và nói rằng tất cả những người này đều sẽ trở về Trung Quốc sau khi học tập ở Hoa Kỳ. Ngược lại, nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học phi quân sự nổi tiếng như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh không gặp vấn đề gì trong việc có được thị thực để học tập tại Hoa Kỳ.

Một số cư dân mạng nói: “Số sinh viên STEM thực tế của Trung Quốc như vậy phải gấp vài lần con số đó. 500 chỉ là con số được công khai. Phải có hàng ngàn sinh viên như vậy đã được chỉ định lại hoặc không đồng ký tên vào lá đơn này.”

Trong bức ảnh không đề ngày tháng này, sinh viên Trung Quốc chờ đợi bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ để phỏng vấn xin thị thực ở Bắc Kinh. (Ảnh: Alexander F. Yuan/AP Photo)

Những lo ngại về an ninh

Chính phủ Hoa Kỳ lo ngại rằng một số người quốc tịch Trung Quốc đóng giả là sinh viên để nhập cảnh vào nước này nhằm thực hiện hành vi gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Khó mà có thể phân biệt được các mật vụ Trung Quốc với các sinh viên Trung Quốc thực sự đang học tập ở hải ngoại.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ Christopher Wray đã cảnh báo trong một phiên điều trần tại Thượng viện rằng các gián điệp học thuật Trung Quốc đang thâm nhập vào tất cả các bộ phận của Hoa Kỳ để đánh cắp khoa học và công nghệ cũng như gây ra mối đe dọa cho xã hội Hoa Kỳ.

Ông Joe Augustyn, một cựu quan chức CIA, cũng tuyên bố rằng các cơ quan tình báo của Trung Cộng sử dụng một số thành viên trong giới sinh viên Trung Quốc nhằm thâm nhập vào các trường đại học và công ty của Hoa Kỳ để tham gia vào hoạt động gián điệp kinh tế. Ông Augustyn cho biết Trung Cộng tuyển dụng sinh viên Trung Quốc để làm “điệp viên tiếp cận” hoặc “người có ảnh hưởng bí mật” trong các trường đại học ở Hoa Kỳ. Một khi các hoạt động này bị bại lộ, nhà cầm quyền này có thể tách chính nó (cơ quan tình báo của Trung Cộng) khỏi các sinh viên và phủ nhận sự dính líu của mình.

Hôm 27/04, chính phủ ông Biden đã tuyên bố rằng họ sẽ nới lỏng các hạn chế về thị thực do chính phủ ông Trump đặt ra đối với sinh viên Trung Quốc và sinh viên các nước khác đang học tập tại Hoa Kỳ vào mùa thu năm nay.

Tuy nhiên, kể từ khi có thông báo, một số sinh viên và học giả Trung Quốc đã bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ. Hồi tháng 05/2021, đơn xin thị thực của một sinh viên Trung Quốc đã bị Đại sứ quán Hoa Kỳ từ chối vì cha của cô ấy làm nhân viên an ninh ở Trung Quốc. Ngay sau đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra quyết định xác nhận chỉ thị của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về việc ngừng cấp thị thực cho vợ/chồng và con của công chức tại nhiệm từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Công an Trung Quốc, do hành vi vi phạm nhân quyền và hành động thâm nhập của Trung Cộng vào các quốc gia khác.

Hồi tháng 06/2021, một nghiên cứu độc lập đã khảo sát 310 sinh viên Trung Quốc bị từ chối cấp thị thực đến Hoa Kỳ. Báo cáo này phát hiện ra rằng hầu hết những sinh viên này đã học tập tại các trường [đại học] Trung Quốc có liên kết với quân đội Trung Quốc và đã tham gia vào các dự án quốc phòng, kể cả Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh, và Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh.

Nguồn: Alex Wu @ePochTimes
Hồng Ân biên dịch

Tags: , ,