Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

April 29, 2024

AFP: Đảng Cộng sản Trung Quốc – “Hội kín” lớn nhất thế giới


Ngày 1/7 vừa qua, ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, hãng tin AFP đã đăng tải bài viết chỉ ra Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có những đặc điểm tương tự như một “Hội kín”, với những bí mật mà người ngoài hay thậm chí các Đảng viên cũng không được phép biết đến.

100 năm trước, ĐCSTQ được thành lập tại Thượng Hải như một tổ chức ngầm theo chủ nghĩa Marx. Ngày nay, Đảng này “nổi tiếng” vì sự kiểm duyệt, theo dõi và đàn áp những người có tín ngưỡng và người bất đồng chính kiến. Tác giả bài viết trên AFP, Patrick Baert, chỉ ra rằng có 5 điều mà ĐCSTQ không muốn người ta biết được, khiến nó trở thành một “hội kín” lớn nhất thế giới.

1. Đảng viên

ĐCSTQ tuyên bố có 95,1 triệu Đảng viên, tuy nhiên danh sách Đảng viên thì không được công khai. Sau khi đăng ký gia nhập, người ta phải thông qua 2 năm chờ đợi và xét duyệt lý lịch.

Theo thông tin được công bố công khai, trong số 95,1 triệu Đảng viên, có 6,5 triệu công nhân, 25,8 triệu nông dân, 41 triệu chuyên viên cổ cồn trắng, và 19 triệu người nghỉ hưu.

Như vậy có thể thấy Đảng viên ĐCSTQ phần lớn thuộc giới quan chức.

2. Nguồn tiền duy trì ĐCSTQ từ đâu ra?

Tài sản của ĐCSTQ không được công khai, trong khi đó tài sản của những lãnh đạo Đảng (cũng chính là những người lãnh đạo Trung Quốc) lại là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Tiền lương và chế độ của lãnh đạo cũng không được công bố.

Các kênh truyền thông nước ngoài từng bị trừng phạt sau khi đăng tải các báo cáo về tài sản khổng lồ của lãnh đạo Đảng và gia tộc. Những tài sản này thường được cất giấu tại các “thiên đường thuế” hoặc thông qua các hình thức sở hữu tài chính phức tạp.

Năm 2012, kênh Bloomberg từng ước tính rằng người thân của ông Tập Cận Bình sở hữu những tài sản trị giá hàng tỉ nhân dân tệ.

Đảng viên phải đóng Đảng phí ở mức 2% thu nhập. Năm 2016, một bài báo cho biết nguồn tiền thu được từ việc đóng quỹ vào năm 2015 là 1 triệu USD. Tuy nhiên tiền phí này chỉ là một nguồn thu nhập nhỏ của ĐCSTQ. Đảng sở hữu một “đế chế” tài chính và sở hữu nhiều công ty, khách sạn và nhà máy.

3. Có bao nhiêu người là nạn nhân của ĐCSTQ?

Hầu hết các học giả sử học Trung Quốc đều ước tính rằng có khoảng 40 đến 70 triệu người đã chết do các chính sách của ĐCSTQ kể từ khi nó lên nắm quyền vào năm 1949.

Các tội ác đáng chú ý trong quá khứ bao gồm cuộc Đại Nhảy Vọt, đàn áp Tây Tạng, Đại Cách mạng Văn hóa và cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ngày nay, ĐCSTQ đã liên tục phải đối mặt với những cáo buộc vi phạm nhân quyền, như việc thu hoạch tạng từ tù nhân, đặc biệt là từ thành viên của phong trào tâm linh Pháp Luân Công.

Các nhóm nhân quyền cũng ước tính rằng có 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương đã bị đưa vào các trại tập trung, đi kèm với đó là các cáo buộc về cưỡng bức triệt sản và cưỡng bức lao động.

4. Những “đối thủ”

Dưới thời Tập Cận Bình, xã hội dân sự đã bị thu hẹp. Hơn 1 triệu quan chức cũng bị trừng phạt trong chiến dịch “chống tham nhũng” mà giới bình luận cho rằng là chiến dịch thanh trừng các đối thủ chính trị.

Trong khi đó, các cuộc đàn áp luật sư, nhà hoạt động cũng diễn ra thường xuyên, đặc biệt nghiêm trọng là vào năm 2015.

Tại Hồng Kông, chiến dịch đàn áp nghiêm trọng các phong trào dân chủ trong bối cảnh áp dụng luật an ninh quốc gia đã khiến đặc khu này mất đi tự do.

5. Những cuộc họp kín

Các cuộc họp của ĐCSTQ bao gồm những cuộc họp công khai 5 năm 1 lần, nơi các Đảng viên “biểu quyết” thông qua 100%.

Trong khi đó cuộc họp kín “Bắc Đới Hà” diễn ra trong tình trạng bảo mật, với sự tham gia của 200 thành viên cấp cao và các “nguyên lão”. Các cuộc tranh luận không được đưa tin công khai.

“Che giấu mâu thuẫn nội bộ cho phép ĐCSTQ trưng ra bộ mặt thép trước đối thủ và người dân Trung Quốc”, giáo sư về chính trị Jean-Pierre Cabestan thuộc đại học Hong Kong Baptist bình luận. Ông cũng nhận xét rằng do tính khép kín của ĐCSTQ, có thể xem nó là “hội kín lớn nhất thế giới”.

Minh Nhật @ trithucVN lược dịch theo AFP

Tags: ,